Mở nhà hàng cần chuẩn bị những gì ?
Kinh doanh nhà hàng là một trong những lĩnh vực được nhiều người lựa chọn nhất khi khởi nghiệp kinh doanh, vì nhu cầu của thị trường đối với dịch vụ này chưa bao giờ sụt giảm, dễ dàng tiếp cận khách hàng và lợi nhuận lớn. Thế nhưng cũng chính vì thế mà mức độ cạnh tranh giữa các nhà hàng với nhau là rất cao, nếu bạn cũng muốn tham gia vào cuộc đua này thì cần phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng ngay từ đầu. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý những yếu tố cần thiết giúp bạn mở nhà hàng thành công hơn.
1. Cơ sở vật chất
Muốn có một nhà hàng đạt chuẩn thì bạn phải đảm bảo trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, bao gồm bàn ghế, hệ thống chiếu sáng, hệ thống điện nước, đồ dùng nhà bếp. Trong đó bạn cần đặc biệt quan tâm đến ba nơi trong cửa hàng, đó là khu vực đón khách, khu vực phục vụ và khu vực nhà bếp. Với khu vực đón khách nên thiết kế bãi gửi xe riêng, không chắn lối đi, biển hiệu bắt mắt, bài trí thông thoáng và làm nổi bật được nhà hàng. Khu vực phục vụ là nơi bạn bày bàn ăn, quầy thanh toán, quầy đựng đồ uống, bạn nên ước tính trước lượng khách tối đa để mua sắm bàn ghế, khăn trải cho hợp lý. Riêng khu vực nhà bếp nên được thiết kế theo nguyên lý bếp một chiều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra cơ chế thoát nước, lọc dầu mỡ, khử mùi, xả khói hay an toàn sử dụng gas cũng hết sức quan trọng, bạn nên dự trù thật kĩ trước khi lắp đặt.
2. Nhân viên phục vụ
Để có thể phục vụ khách hàng tốt hơn thì bạn nên thuê thêm nhân viên, tuỳ vào quy mô mà chọn số lượng cho phù hợp. Vì kinh doanh nhà hàng là một loại hình dịch vụ nên cách thức nhân viên phục vụ là rất quan trọng, khi tuyển dụng bạn cần có những buổi kiểm tra kĩ năng chuyên môn, khả năng ứng biến và thái độ của ứng viên. Trước khi cho nhân viên vào làm việc chính thức cũng nên đào tạo họ một cách bài bản để các bộ phận phối hợp ăn khớp với nhau, nâng cao chất lượng phục vụ.
Dựa vào khoảng thời gian khách đông và khách vắng bạn có thể bố trí lịch làm việc của nhân viên sao cho phù hợp, tiết kiệm tối đa chi phí. Các khoản trợ cấp như tiền ăn trưa, ăn tối cũng cần định mức ngay từ đầu.
3. Nhân viên quản lý
Khi nhà hàng phát triển, lượng khách mỗi ngày đông hơn thì việc thuê thêm nhân viên là rất cần thiết, lúc này bạn nên tuyển cả quản lý để điều hành công việc chung trong nhà hàng. Đội ngũ quản lý có thể chọn từ những nhân viên đã làm việc lâu, có nhiều kinh nghiệm, biết bao quát và sắp xếp công việc của người khác. Mức lương cho quản lý sẽ cao hơn nhân viên thông thường và có thể tính phần trăm theo doanh số để khích lệ tinh thần làm việc của họ.
4. Bếp trưởng và các đầu bếp phụ
Tuỳ vào quy mô và các món ăn mà nhà hàng bạn phục vụ mà số lượng đầu bếp có thể thay đổi cho phù hợp. Với nhà hàng quy mô vừa bạn nên tuyển 2 đầu bếp làm full-time, 1 người làm part-time để đảm bảo tốc độ phục vụ nhanh nhất. Để tiết kiệm bạn có thể cho nhân viên làm việc theo ca, từ 10h sáng đến 4h chiều và từ 4h chiều tới khi đóng cửa.
Bếp trưởng là người điều hành nhà bếp nên phải đến sớm để chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn, họ sẽ làm ca sáng, đầu bếp full-time còn lại sẽ làm ca chiều. Với đầu bếp là part-time thì họ sẽ đến làm việc trong khung giờ đông khách nhất để giảm tải áp lực cho 2 bếp chính.
Cần lưu ý là kỹ năng chuyên môn của đầu bếp phải thật tốt, vừa biết nấu vừa biết trang trí tất cả các món trong thực đơn, ngoài ra cũng cần có khả năng sáng tạo để làm riêng những món chỉ có ở nhà hàng bạn.
5. Hệ thống quản lý nhà hàng
Các hoạt động của một nhà hàng phức tạp hơn cửa hàng bán lẻ rất nhiều, để có thể bao quát được tất cả thì sổ sách không phải lựa chọn phù hợp. Bạn nên lựa chọn những giải pháp hiện đại, có đầy đủ chức năng từ quản lý thực đơn, quản lý nguyên vật liệu đến quản lý nhân viên. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều phần mềm quản lý nhà hàng có thể đáp ứng được những nhu cầu này cho bạn, bạn nên tham khảo thật kĩ để chọn ra phần mềm tốt nhất mà giá cả phải chăng.
Mở nhà hàng cần chuẩn bị rất nhiều thứ, ngoài 5 yếu tố cốt yếu này thì mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất bạn cũng phải để tâm để có một nhà hàng hoàn hảo nhất.